Công Sở Là Gì? Tìm Hiểu Về Văn Hóa Công Sở
Văn hóa công sở là khái niệm được nhiều người quan tâm thời gian gần đây. Văn hóa công sở, thực chất là văn hóa con người tạo ra đòn bẩy cho sự phát triển của cơ quan, doanh nghiệp. Vậy công sở là gì, văn hóa công sở là gì? Cùng tìm hiểu những vấn đề đó trong bài viết sau đây.
Công sở là gì?
Trước đây, công sở là một thuật ngữ được định nghĩa là trụ sở của cơ quan nhà nước. Theo đó, công sở sẽ là tập hợp của thiết chế bộ máy quản lý nhà nước và thiết chế xã hội. Sự hiện diện của công sở là một hiện tượng văn hóa, cũng là một chủ thể văn hóa đi kèm với các yếu tố tổ chức quyền lực và tâm lý, tình cảm của con người – cụ thể là các cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại cơ quan nhà nước.
Đó là cách giải thích hơi hướng “hàn lâm” truyền thống. Còn thực tế thì hiện nay, khái niệm công sở đã được mở rộng hơn, công sở không phải chỉ gói gọn trong cơ quan nhà nước mà các môi trường làm việc tại các doanh nghiệp, công ty tư nhân cũng được coi là môi trường công sở. Tóm lại, nhắc tới khái niệm công sở hiện nay, chúng ta có thể hiểu đó là môi trường làm việc văn phòng (có thể là nhà nước hoặc tư nhân). Công sở bao gồm tất cả các bộ phận cấu thành môi trường làm việc, từ không gian làm việc cho tới nhân viên văn phòng, thái độ làm việc, cách cư xử với nhau…
Rất nhiều cuốn sách hiện đại được xuất bản hàng chục năm trở lại đây đã mở rộng khái niệm công sở này. Tiêu biểu như: “Nhân viên cởi mở, công sở thành công”, “Giao tiếp nơi công sở”, “Sống sót nơi công sở”, “Quy tắc ngầm nơi công sở”, “Vua công sở”… Bạn có thể tìm đọc các cuốn sách này để thấm nhuần hơn về khái niệm công sở và các khái niệm xoay quanh.
Cách xây dựng văn hóa công sở
Văn hóa công sở là bao gồm nhiều giá trị hữu hình và vô hình tổng hợp lại. Có thể liệt kê cơ bản là các giá trị từ trình độ nhận thức, phương pháp tổ chức, quản lý, môi trường cảnh quan, phương tiện làm việc, đạo đức nghề nghiệp và phong cách giao tiếp ứng xử.
Mục đích của việc xây dựng văn hóa công sở là hướng tới một công sở văn minh, lịch sự, hoạt động thượng tôn pháp luật và mang lại hiệu quả tối đa. Những con người trong tổ chức, cơ quan sẽ quyết định thành bại của văn hóa công sở thông qua tư tưởng, hành vi, thói quen của họ. Ngược lại, một môi trường có văn hóa công sở tốt sẽ rèn giũa, hun đúc những thói quen, hành động, suy nghĩ của cán bộ nhân viên theo đúng nề nếp văn hóa.
Vậy để xây dựng văn hóa công sở, cần phải làm những gì?
Xây dựng bộ quy tắc văn hóa của mỗi cơ quan, doanh nghiệp
Bộ chuẩn mực văn hóa sẽ như kim chỉ nam soi đường cho các cán bộ công nhân viên trong công sở. Bộ chuẩn mực quy định rõ những việc được làm, nên làm và cả những việc không được phép làm. Đồng thời, chỉ rõ chế tài xử lý với các hành vi vi phạm để có căn cứ răn đe.
Để bộ chuẩn mực quy tắc văn hóa công sở thực sự đi vào đời sống chứ không phải nằm trên giấy tờ, những người lãnh đạo của công ty, cơ quan cần phải nêu cao tinh thần tự giác làm gương trước. Đó cũng là cách cho các nhân viên, cán bộ công ty, cơ quan doanh nghiệp noi theo, củng cố niềm tin vào những giá trị mà bộ chuẩn mực mang lại.
Xây dựng bầu không khí công sở
Bầu không khí của công sở thể hiện được sự hòa hợp về tâm lý của mọi người trong công sở. Nếu không khí làm việc cởi mở, thoải mái và có sự ghi nhận tích cực kịp thời thì mọi người sẽ hăng hái làm việc, gia tăng năng suất. Ngược lại, môi trường làm việc căng thẳng, áp lực, chỉ thấy sự phê phán sẽ khiến nhân viên chán nản, không có cảm hứng làm việc, tất nhiên cũng không có sự sáng tạo và hiệu quả.
Ở một công sở có văn hóa sẽ nói không với chuyện đồng nghiệp nói xấu nhau hay nói xấu sếp, đồng nghiệp hạnh họe nhau, nhân viên đi làm chỉ mong tới giờ về hoặc chỉ để nhận lương, sếp và nhân viên không hòa hợp, sếp chỉ chăm chăm soi mói, bới móc và đay nghiến nhân viên… Văn hóa công sở là gì, có nghĩa lý gì nếu như mỗi người luôn thấy không hài lòng về sếp hoặc nhân viên của mình mỗi ngày đi làm?
Việc duy trì động lực làm việc và gây dựng mối quan hệ tốt đẹp của các cán bộ, nhân viên công sở là yêu cầu quan trọng và cấp thiết để xây dựng văn hóa công sở thành công.
Xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp
Thứ nhất là phải làm việc đúng giờ, đúng hẹn, đúng deadline. Mọi công việc cần có kế hoạch, báo cáo rõ ràng. Nhân viên công sở có văn hóa sẽ không cao su, không lười biếng, không làm việc đối phó.
Thứ hai, văn hóa công sở nhất định phải đề cao tinh thần tập thể. Tuy “việc ai nấy làm” có sự phân công công việc cụ thể nhưng không phải “mạnh ai nấy làm”, “cha chung không ai khóc”. Cần xây dựng một tập thể đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Để có được tập thể mong ước đó, từ sếp tới nhân viên cần tích cực chia sẻ, cởi mở, người cũ, người có kinh nghiệm, người tới trước hướng dẫn người tới sau, người còn non nớt.
Thứ ba, văn hóa công sở phải chú trọng trau dồi đạo đức cho mỗi con người. Với các cơ quan nhà nước, Bác Hồ đã căn dặn “một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng” hay “các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc)”… Còn với các doanh nghiệp tư nhân, văn hóa công sở cũng phải ưu tiên đạo đức lên hàng đầu mới thu phục lòng người.
Một công ty tự nói về mình là có văn hóa, đạo đức sẽ không kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, không quỵt tiền thưởng nhân viên, không ăn chặn phúc lợi của nhân viên, không lừa đảo khách hàng…
“Liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, hiệu quả” là tôn chỉ trong văn hóa công sở tại các cơ quan nhà nước. Đó còn là tôn chỉ áp dụng được vào các doanh nghiệp khi xây dựng bộ chuẩn mực văn hóa nói riêng và xây dựng văn hóa công sở nói chung. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Châu Âu… cũng có tinh thần xây dựng văn hóa công sở với những tiêu chuẩn tương tự như vậy để gặt hái thành công.
Hi vọng, với các lãnh đạo cơ quan ban ngành, các chủ doanh nghiệp hay mỗi nhân viên văn phòng, qua bài viết này đều có được thông tin hữu ích. Không chỉ rõ hơn về khái niệm công sở là gì mà còn rõ hơn khái niệm văn hóa công sở và cách xây dựng văn hóa công sở.
Nguồn bài viết tại Intracom Riverside
source https://intracom-riverside.vn/tin-tuc/cong-so-la-gi/
Nhận xét
Đăng nhận xét